Việt Nam là nước có địa hình vô cùng thú vị từ đồi núi, đồng bằng đến bờ biển, thềm lục địa. Với những người đam mê leo núi và muốn chinh phục độ cao ngất ngưỡng thì các đỉnh núi cao nhất Việt Nam sẽ là lựa chọn hoàn hảo. Nào! Đừng đợi chờ ai, với đôi chân không biết mỏi hãy xách balo lên và chinh phục 7 đỉnh núi cao tại Việt Nam.
Fansipan (3143m)
Nổi tiếng là ngọn núi cao nhất Việt Nam hay còn được biết đến là nóc nhà Đông Dương. Fansipan hiện sở hữu độ cao lên đến 3143m. Đỉnh Fansipan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn và cách thị trấn Sapa khoảng 9km về phía Tây Nam thuộc Tây Bắc của Việt Nam.
Bạn có thể leo núi với hơn 20km đường rừng để chạm đến nóc nhà Đông Dương. Ngoài ra, nhiều người lựa chọn cách lên đỉnh bằng việc đi cáp treo ngang qua thung lũng Mường Hoa cực thơ mộng.
Nếu bạn là một dân leo núi chính hiệu thì việc chinh phục ngọn núi cao nhất Việt Nam bằng cách băng rừng quả thực rất thú vị. Cảm giác dùng cả mồ hôi, sức lực để chạm tay vào đỉnh núi thật sự rất tuyệt. Nó không đơn giản là cảm giác muốn chinh phục mà còn là cảm giác chiến thắng bản thân, gặt hái được thành quả sau những vất vả mà bản thân đã trải qua.
Đỉnh Pu Si Lung (3080m)
Pu Si Lung sở hữu địa hình tương đối phức tạp bởi đường rừng, dốc trơn và suối lớn bao quanh rừng già cổ thụ. Đi bộ qua các sườn đồi, vượt qua những con dốc liên tục sẽ khiến bạn cảm thấy đây là một thử thách không hề dễ. Cung đường chinh phục đỉnh Pu Si Lung không nguy hiểm nhưng những con dốc của nó sẽ làm bạn chùn bước.
Khi lựa chọn Pu Si Lung là địa điểm chinh phục thì bạn sẽ nhìn thấy rừng đỗ quyên siêu đẹp. Nhưng hoa chỉ nở vào tháng 2, 3, 4 nên bạn nhất định phải lựa chọn khung thời gian này để chinh phục Pusilung.
Putaleng (3049m)
Với độ cao gần tương đương với Pu Si Lung, Putaleng nằm trong danh sách những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Muốn chinh phục đỉnh núi này bạn có thể di chuyển từ Hồ Thầu đến cột mốc 2380, sau đó đến cột mốc 2400 và cuối cùng là đỉnh Putaleng.
Sở hữu địa hình tương đối phức tạp và thường xuyên băng rừng, những con dốc trơn, suối lớn đôi lúc sẽ làm bạn hơi sợ. Tuy nhiên, hành trình vượt suối, băng rừng để chinh phục Putaleng sẽ mang lại trải nghiệm không thể nào quên.
Đỉnh Ky Quan San (3046m)
Ky Quan San hay còn được gọi là Bạch Mộc Lương Tử, là dãy núi nằm giữa ranh giới huyện Bát Xát (Lào Cai) và huyện Phong Thổ (Lai Châu). Đây là dãy núi cao thứ 4 tại Việt Nam.
Khi chinh phục dãy núi này vào tháng 5, du khách sẽ có cơ hội chiêm nghiệm những ruộng bậc thang của người Mông vào mùa nước đổ. Suốt đoạn đường chinh phục đỉnh núi bạn sẽ nhìn thấy sự thay đổi sinh thái một cách đa dạng. Từ hình ảnh những đỉnh đồi trơ trụi đến những cánh rừng gỗ cháy và cuối cùng là những cánh rừng gỗ trắng. Do đó mà nó còn được gọi là Bạch Mộc Lương Tử.
Khang Su Văn ( 3012m)
Tại Lai Châu có đỉnh núi Khang Su Văn được biết đến là bức tường tự nhiên bảo vệ vùng biên giới phía Bắc. Nếu muốn chinh phục đỉnh núi này, bạn phải xin được giấy phép của Đồn Biên Phòng Vàng Ma Chải.
Khang Su Văn sở hữu rừng chè cổ thụ ngàn năm tuổi cùng thảm thực vật vô cùng đa dạng. Có thể kể đến như: rừng thảo quả, hoa đỗ quyên trắng, vàng và những khu rừng nguyên sinh chưa có bất cứ sự tác động nào của con người.
Khi đến đây bạn sẽ cảm thấy bản thân như rơi vào khu rừng thời cổ đại với những thân cây cao cùng hình thù kỳ dị. Rêu phủ xanh từ gốc lên đến ngọn, cành, lá khiến bạn cảm giác như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh.
Tả Liên (2996m)
Tả Liên sở hữu hình dáng giống như phần lưng của loài trâu nên còn được biết đến với tên gọi khác là núi Cổ Trâu. Tả Liên sở hữu thảm thực vật nguyên sinh vô cùng đa dạng sẽ khiến bạn phải há hốc kinh ngạc. Một khung cảnh cổ tích, huyền bí bởi những thân cây to lớn được rêu xanh và dương xỉ phủ kín.
Đây được xem là ngọn núi dễ chinh phục nhất bởi con đường đi và về ngắn (khoảng 12km). Dù được mệnh danh là cung đường “dưỡng sinh” nhưng bạn sẽ thấy được sự quyến rũ rất riêng mà ngọn núi mang lại.
Để chinh phục đỉnh núi này, bạn có thể thuê xe máy từ Sapa rồi di chuyển vào chân núi. Hoặc di chuyển theo tuyến Hà Nội – Lai Châu và dừng xe ở Tả Lèng. Và hành trình chinh phục ngọn núi này thường mất 2 ngày 1 đêm.
Tà Chì Nhù (2979m)
Nếu so sánh với các đỉnh núi khác về độ khó đi thì Tà Chì Nhù nằm ở top đầu. Bởi đường đi đa số là những dốc cao, ít bóng cây và nhiều sỏi đá. Đứng trên đỉnh núi này bạn sẽ được thưởng thức vẻ đẹp của mây ngàn, đón giá và cảm giác mây ở rất gần. Ngoài ra, đây còn là nơi cực kì nổi tiếng bởi loài loa Chi Pâu tím, hoa nở rộ khắp các đỉnh núi vào khoảng thời gian từ tháng 9, 10.
Lời kết
Đọc xong bài viết, bạn có cảm thấy muốn đứng lên và đi ngay không? Mỗi đỉnh núi đều mang đến cho chúng ta những trải nghiệm vô cùng thú vị. Hãy đi và trải nghiệm những thử thách mới cùng 7 đỉnh núi cao nhất Việt Nam mà chúng tôi đã cung cấp. Hy vọng bài viết đã đem đến cảm giác mới lạ, giúp bạn xua tan cảm giác mệt mỏi và muốn được chinh phục những dãy núi này.