Kế toán tổng hợp: mô tả công việc và kỹ năng chuyên môn cần có

Kế toán tổng hợp là vị trí rất quan trọng trong một doanh nghiệp, giữ vai trò bao quát các hoạt động tài chính, kế toán của doanh nghiệp. Mặc dù mức lương khá cao nhưng áp lực cũng như những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng rất nhiều. Vậy để hiểu rõ hơn về vị trí kế toán tổng hợp trong doanh nghiệp, chúng mình hãy cùng nhau tham khảo tiếp bài viết này nhé!

I. Tìm hiểu ngành kế toán tổng hợp

Kế toán tổng hợp: mô tả công việc và kỹ năng chuyên môn cần có

1. Kế toán tổng hợp là gì?

Kế toán tổng hợp (General Accountant) là người chuyên phân tích và chuẩn bị các tài liệu, báo cáo tài chính, chẳng hạn như tờ khai thuế, báo cáo thu nhập và bảng cân đối kế toán, họ theo dõi dòng tiền vào và ra của doanh nghiệp. Kế toán tổng hợp có vai trò rất quan trọng, giúp doanh nghiệp xác định và giải quyết các vấn đề về tài chính cũng như đảm bảo các khoản thuế được nộp chính xác và đúng hạn.

2. Khó khăn của nghề kế toán tổng hợp

Đối với kế toán tổng hợp – một vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, nhân viên phải chịu những áp lực và khó khăn mỗi ngày như phải theo dõi, giám sát thường xuyên mỗi khi phát sinh nghiệp vụ kế toán trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài áp lực do khối lượng công việc và trách nhiệm lớn, kế toán tổng hợp còn phải nắm vững các kiến thức chuyên môn về nghiệp vụ kế toán cũng như phải cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp và các điều khoản kế toán.

II. Công việc của kế toán tổng hợp trong doanh nghiệp

ke-toan-tong-hop-mo-ta-cong-viec-va-ky-nang-chuyen-mon-can-co-2

1. Công việc hằng ngày

– Điều phối các hoạt động, hướng dẫn và giải đáp thắc mắc cho những nhân viên kế toán khác.

– Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán, các chứng từ kế toán thông qua các nghiệp vụ kinh tế phát sinh như các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ: việc thực hiện thu tiền/chi tiền, mua bán hàng hóa, công cụ dụng cụ, tài sản cố định,…

– Theo dõi và quản lý công nợ.

– Hạch toán thu nhập, chi phí, khấu hao tài sản cố định, công nợ, nghiệp vụ khác, thuế giá trị gia tăng.

– Kiểm tra và giám sát việc luân chuyển hàng tồn kho (nhập – xuất – tồn kho), thời gian tồn kho tại từng kho thông qua kế toán tổng hợp kho.

– Theo dõi, tính toán giá thành sản xuất thực tế theo từng sản phẩm; chi phí sản xuất dở dang và tỷ lệ hao hụt nguyên vật liệu, phụ liệu đi kèm.

2. Công việc hằng tháng

– Theo dõi, giám sát số liệu báo cáo kho định kỳ hàng tháng và định mức sản phẩm.

– Tính lương cho cán bộ, công nhân viên và thực hiện các khoản trích theo lương.

– Lập bảng phân bổ các chi phí trả trước ngắn hạn, dài hạn, công cụ dụng cụ,… Hạch toán các khoản phân bổ đó

– Kiểm kê tài sản cố định định kỳ 6 tháng.

– Thực hiện các bút toán phân bổ và kết chuyển.

– Tính và trích khấu hao tài sản cố định. Hạch toán khoản trích khấu hao tài sản cố định.

– Đối chiếu và cung cấp số liệu chi tiết các khoản phân bổ, trả trước, trích trước hàng tháng;

– Lập các báo cáo thuế theo quy định. Ví dụ như lập tờ khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân,…

– Theo dõi và kiểm tra việc lập bảng kê hóa đơn giá trị gia tăng đầu ra, đầu vào, thuế thu nhập cá nhân.

– Lập các báo cáo nội bộ theo yêu cầu nhà quản lý như: báo cáo quản trị (báo cáo tài chính, báo cáo tổng chi phí, doanh thu … )

3. Công việc hằng quý

– Lập tờ khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân theo quý (nếu doanh nghiệp có đủ điều kiện kê khai thuế GTGT theo từng quý).

– Lập tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý.

– Lập các báo cáo nội bộ.

– Lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý.

– Tổng hợp số liệu hạch toán từ các phân hệ phải thu, phải trả, kế toán kho, kế toán thanh toán, kế toán thuế, kế toán giá thành, lập bảng cân đối số phát sinh tài khoản.

– Kiểm tra, đối chiếu số liệu chi tiết từng phần hành với sổ cái.

4. Công việc hằng năm

Công việc đầu năm của kế toán tổng hợp:

– Tổng hợp cần nộp tiền thuế môn bài (đối với những doanh nghiệp đã và đang hoạt động).

– Nộp tờ khai thuế môn bài và tiền thuế môn bài (đối với những doanh nghiệp mới thành lập).

– Thực hiện các bút toán đầu năm tài chính mới như kết chuyển lãi lỗ năm tài chính cũ và hạch toán chi phí thuế môn bài năm tài chính mới.

Công việc cuối năm của kế toán tổng hợp:

– Kiểm tra sự cân đối giữa số liệu kế toán chi tiết và tổng hợp.

– Kiểm tra số dư cuối kỳ có hợp lý và khớp đúng với các báo cáo chi tiết hay không.

– Lập báo cáo tài chính.

– Lập bảng cân đối số phát sinh tài khoản năm.

– Lập báo cáo quản trị.

– Lập tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân.

– In sổ sách theo quy định (sổ quỹ, ngân hàng, báo cáo nhập – xuất – tồn kho, sổ chi tiết,…)

III. Yêu cầu của nghề kế toán tổng hợp

ke-toan-tong-hop-mo-ta-cong-viec-va-ky-nang-chuyen-mon-can-co-3

1. Nắm vững kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn

Yêu cầu cơ bản và quan trọng của một kế toán tổng hợp là nắm vững các kiến thức chuyên môn cũng như nghiệp vụ về kế toán. Cụ thể là kiến thức về nguyên lý kế toán, kế toán bán hàng, kế toán công nợ, kế toán bán hàng, kế toán thuế, luật kế toán, các thông tư, quy định liên quan,… Để nắm được kiến thức một cách bài bản, bạn nên theo học tại các trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành kế toán – kiểm toán và nhận được bằng chứng nhận sau khi ra trường.

2. Kỹ năng nghề nghiệp kế toán tổng hợp

– Sử dụng tốt các phần mềm kế toán: Vì phải xử lý rất nhiều con số với độ chính xác tuyệt đối nên bạn cần phải học cách sử dụng các phần mềm kế toán hỗ trợ. Cơ bản nhất là như Excel và các phần mềm chuyên cho kế toán như FAST, Misa, BRAVO,…

– Thành thạo tin học văn phòng: Để phục vụ cho việc lập báo cáo kế toán, tài chính thì bạn cần phải thành thạo các phần mềm Microsoft như Powerpoint, Word,…

– Trình độ ngoại ngữ cơ bản (tiếng Anh): Tiếng Anh đã trở thành yêu cầu cơ bản trong bất kỳ ngành nghề nào, kể cả kế toán. Giỏi tiếng Anh sẽ tăng thêm nhiều cơ hội trong khi tìm việc cũng như giúp bạn đọc được các tài liệu chuyên ngành rất bổ ích.

– Yêu thích những con số: Vì tính chất công việc phải làm việc với con số nhiều hơn là con người nên bạn phải là một người yêu những con số thì mới có thể gắn bó lâu dài với nó.

– Khả năng phân tích, tư duy logic: Nhắc đến “toán học” chắc chắn chúng ta đều biết rằng cần phải vận dụng trí óc rất nhiều. Vì vậy, bạn cần phải có khả năng phân tích các con số và tư duy logic để xử lý chúng một cách chính xác, hiệu quả.

– Kỹ năng sắp xếp và quản lý thời gian: Khối lượng công việc của một kế toán tổng hợp là rất nhiều và khá áp lực. Do vậy, bạn phải biết cách sắp xếp công việc sao cho hợp lý và quản lý thời gian làm việc một cách hiệu quả để mọi công việc trong ngày được hoàn thành đúng deadline.

– Có thể chịu áp lực cao trong công việc: Như đã nói, công việc của kế toán tổng hợp phải chịu áp lực cả về thời gian và sức lực. Nên bạn phải chuẩn bị và rèn tập bản thân chịu đựng những áp lực đó để khi làm việc có thể quen với “nhịp độ” công việc.

– Khả năng giao tiếp và đối nội, đối ngoại: Tuy không cần làm việc quá nhiều với con người nhưng bạn cũng phải có khả năng giao tiếp tốt trong khi làm việc với các bên liên quan. Ví dụ như sếp, kế toán trưởng, cục thuế, ngân hàng,…

3. Phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp:

Chịu trách nhiệm về mặt tài chính, góp phần trong việc quyết định các vấn đề tiền bạc của doanh nghiệp không dễ tránh khỏi những cám dỗ. Vì vậy, mỗi người làm trong vị trí kế toán nói chung và kế toán tổng hợp nói riêng phải giữ được những phẩm chất khiến cho người khác có thể tin tưởng.

Đặc biệt là tính trung thực, tỉ mỉ, chính xác, có trách nhiệm, kỷ luật và giữ mình trong sạch, làm điều đúng đắn. Nếu giữ được các phẩm chất nghề nghiệp này thì chắc chắn không một doanh nghiệp nào sẽ không ưu ái và cất nhắc bạn lên các vị trí quan trọng hơn. Bởi vì sự tin tưởng là một yếu tố rất quan trọng trong nghề này.

4. Yêu cầu về mối quan hệ trong công việc

– Quan hệ nội bộ: Một kế toán tổng hợp thường làm việc đến tiền lương nên sẽ liên quan đến tất cả nhân viên, phòng ban trong công ty. Ngoài ra họ còn luôn phải nhận sự chỉ đạo và báo cáo phụ trách phòng Kế toán, nhận thông tin và thông tin trực tiếp các kế toán viên. Vì vậy, họ cần tạo dựng mối quan hệ tốt với các nhân viên trong công ty để dễ dàng làm việc và giải quyết các vấn đề phát sinh với nhau.

– Quan hệ với bên ngoài: Một số tổ chức cơ quan mà kế toán tổng hợp phải làm việc cùng đó là cục thuế, ngân hàng, khách hàng, nhà cung cấp. Xây dựng mối quan hệ tin tưởng với các tổ chức bên ngoài này là vô cùng quan trọng trong sự phát triển công việc của kế toán tổng hợp.

IV. Mức lương và cơ hội nghề kế toán tổng hợp

ke-toan-tong-hop-mo-ta-cong-viec-va-ky-nang-chuyen-mon-can-co-4

Cũng giống như những ngành nghề khác, mức lương bạn nhận được nếu ở vị trí kế toán tổng hợp sẽ tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan cũng như yếu tố cá nhân. Cụ thể là tùy năng lực, kinh nghiệm, tính chất, khối lượng công việc và quy mô tài chính của công ty mà mức lương sẽ khác nhau.

Ví dụ bạn làm việc trong một công ty lớn, quy mô bộ máy nhân sự kế toán chuyên nghiệp và khối lượng công việc được giao nhiều thì mức lương sẽ cao. Ngược lại nếu công ty bạn đang làm việc tương đối nhỏ và công việc không quá nhiều, ít áp lực thì mức lương bạn nhận được sẽ thấp hơn. Nhìn chung thì mức lương cho một kế toán tổng hợp có kinh nghiệm một vài năm thì dao động trong khoảng 10 triệu đồng/tháng. Còn đối với người đã có kinh nghiệm lâu năm và được thăng chức vị trí kế toán trưởng thì mức lương được đề nghị có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *